Xét Nghiệm ADN Có Khi Nào Sai Không? Chính Xác Bao Nhiêu Phần Trăm?
Xét nghiệm ADN cho kết quả chính xác gần như tuyệt đối. Vậy xét nghiệm ADN có khi nào sai không? Câu trả lời là có, tuy nhiên chỉ trong những trường hợp vô vùng hy hữu. Vậy những trường hợp nào có thể dẫn đến sai sót trong kết luận về quan hệ huyết thống qua kết quả ADN? Câu trả lời nằm dưới bài viết này nhé!
Xét nghiệm ADN có khi nào sai không?
Xét nghiệm ADN có chính xác không? Theo các chuyên gia y tế, xét nghiệm ADN cho kết quả chính xác 100% đối với trường hợp không có quan hệ huyết thống và lên đến hơn 99,99% với trường hợp có quan hệ huyết thống. Như vậy, xét nghiệm ADN gần như chính xác tuyệt đối và là phương pháp xác định huyết thống chính xác nhất hiện nay, được tất cả các quốc gia trên thế giới ứng dụng.
Vì độ chính xác cao như vậy, năm 1986, quốc gia phát triển như Mỹ đã bắt đầu chấp nhận kết quả ADN như một bằng chứng trước toà, và các toà án trên thế giới cũng lần lượt theo sau. Kết quả từ các trung tâm xét nghiệm ADN được cấp phép hợp pháp được pháp luật Việt Nam công nhận có giá trị pháp lý. Do đó, kết quả giám định ADN có thể được dùng trong quá trình điều tra tội phạm hình sự.
Tuy nhiên, trên thực tế đã có những tình huống trớ trêu trong kết luận từ việc giám định ADN.
Chẳng hạn như có tình huống trên cùng một mẫu nhưng hai đơn vị xét nghiệm lại cho hai kết quả khác nhau. Thực tế đã có người đi xét nghiệm ADN huyết thống cha con tại trung tâm xét nghiệm sử dụng bộ kit 16 locus và nhận được kết luận “Không có quan hệ huyết thống” vì có sự khác biệt ở 1 locus. Trên khách quan thì kết quả sai khác như vậy chưa đủ căn cứ để đưa ra kết luận có hoặc không cùng huyết thống.
Vì thế, người đó tiếp tục đi xét nghiệm ở một trung tâm khác sử dụng bộ kit 24 locus và kết quả phát hiện 2 locus sai lệch nên nhận được kết luận là “Có quan hệ huyết thống”. Chính vì thế mà gây nên sự bối rối cho người tham gia xét nghiệm vì không biết tin vào kết quả nào.
Một ví dụ điển hình khác về sai sót trong quá trình phân tích ADN đã để lại phán quyết sai lầm nghiêm trọng vào năm 2004. Khi ấy ở Madrid, Tây Ban Nha có một vụ đánh bom và một luật sư ở Mỹ đã bị tình nghi và bắt giam 2 tuần vì ông có hồ sơ ADN trùng hợp với hồ sơ ADN từ hiện trường ở Madrid, trong khi xác suất trùng hợp chỉ 1/200.000.000.
Tuy nhiên cảnh sát vẫn tiếp tục điều tra và phát hiện 1 người đàn ông khác có hồ sơ ADN trùng hợp. Sau một thời gian thẩm vấn thì chính người đàn ông ấy đã thú nhận hành vi phạm tội của mình và người luật sư được minh oan. Cuối cùng, cảnh sát đã phải xin lỗi luật sư người Mỹ và cho rằng có sai lầm trong phân tích ADN.
Nguyên nhân dẫn đến sai sót trong kết quả xét nghiệm ADN
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sai sót trong kết luận từ xét nghiệm ADN. Dưới đây là 2 yếu tố có thể dẫn đến những sai lầm này.
1. Sai sót về kỹ thuật
Việc sai sót về kỹ thuật có thể do người yêu cầu xét nghiệm hoặc do nhân viên y tế khi chẳng may để mẫu sinh phẩm bị hư hỏng hoặc bị lẫn lộn giữa các mẫu của những người khác nhau. Ngoài ra, sai sót có thể xảy ra trong quá trình phân tích ADN nếu nồng độ muối bất thường. Tuy vậy, rất khó để biết được tỉ lệ sai sót trong quá trình này, thường dao động từ 1-5%.
2. Sai sót do đột biến của locus STR
Theo các nghiên cứu khoa học quốc tế, bất kì locus STR nào cũng có thể xảy ra đột biến. Do đó mà sai khác trên locus có thể là do sai khác thực sự hoặc do đột biến gen. Tỉ lệ đột biến thông thường chỉ 1/1000, và khi đã tìm ra được 1 hoặc 2 sai khác ở locus thì cũng không được bỏ qua hệ số đột biến đó trong khi tính chỉ số quan hệ huyết thống PI (Paternity Index).
3. Sai sót do hạn chế của bộ kit xét nghiệm ADN
Theo các chuyên gia trên thế giới, trong hình sự quốc tế, khi phân tích các bộ kit có từ dưới 16 locus STR thì cần phải có 2 đến 3 locus sai khác trở lên thì mới được phép kết luận loại trừ đột biến. Thực tế, các chuyên gia đã cảnh báo rằng hai người hoàn toàn xa lạ không có cùng huyết thống vẫn có khả năng cho nhận đủ alen của bộ kit 16 locus một cách ngẫu nhiên, dẫn đến sai lầm trong kết quả xét nghiệm ADN.
Như vậy, bộ kit xét nghiệm càng nhiều locus thì tỉ lệ chính xác càng cao. Vì thế mà các trung tâm xét nghiệm hiện nay có xu hướng sử dụng các bộ kit xét nghiệm trên 20 locus, thậm chí những trung tâm uy tín sử dụng bộ kit từ 24 – 54 locus.
Cách tránh những sai sót trong kết quả xét nghiệm
Để tránh những sai sót không đáng có trong khi xét nghiệm ADN, bạn nên lưu ý một số điều sau:
- Thứ nhất, cần cẩn trọng trong quá trình thu mẫu và bảo quản mẫu, đặc biệt chú ý hơn trong cách lấy mẫu xét nghiệm ADN tại nhà.
- Thứ hai, lựa chọn trung tâm xét nghiệm uy tín.
Lưu ý đầu tiên hết sức đơn giản nhưng dễ dàng dẫn đến sai lầm lớn chỉ vì sơ suất như để lẫn lộn các mẫu sinh phẩm, không phân biệt rõ ràng trước khi xét nghiệm.
Trước khi đi xét nghiệm, bạn nên tìm hiểu về trung tâm xét nghiệm ADN xem liệu rằng trung tâm có được cấp phép hay chưa, có đội ngũ chuyên gia kinh nghiệm hay không, trang thiết bị y tế hiện đại như thế nào, và đặc biệt là xét nghiệm dùng bộ kit loại nào, bao nhiêu locus để tránh rơi vào tình huống trớ trêu nêu ở phần trên.
Như vậy, câu hỏi xét nghiệm ADN có khi nào sai không đã được giải đáp. Nếu bạn còn bất kì thắc mắc nào, đừng ngần ngại để lại câu hỏi bên dưới để chúng tôi giải đáp nhanh nhất có thể. Hy vọng bài viết hữu ích với bạn trong quá trình tìm hiểu về xét nghiệm ADN.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!