Thai Nhi Bị Dị Tật Có Nên Bỏ? Lời Khuyên, Chia Sẻ Cho Mẹ
Thai nhi bị dị tật có nên bỏ hay không, quyết định sau cùng là ở mẹ bầu và gia đình. Bạn hãy cân nhắc thật kỹ sau khi đã nắm được rõ tình trạng của em bé, hiểu rõ bản thân được gì và mất gì khi đứng giữa 2 quyết định khó lựa chọn này. Cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết sau đây nhé!
Thai nhi bị dị tật có nên bỏ?
Đứng trước vấn đề nhạy cảm này, người đưa ra quyết định sau cùng sẽ là mẹ bầu và gia đình. Bạn nên cân nhắc thật kỹ giữa các yếu tố được và mất trước khi quyết định giữ hay bỏ.
Với sự tiến bộ vượt bậc trong y học hiện nay, chúng ta có nhiều phương tiện giúp quan sát thai từ sớm, cùng những bác sĩ có chuyên môn, tay nghề cao và các xét nghiệm sàng lọc trước sinh cho kết quả chính xác cao lên đến 99%. Những điều kiện tích cực này cho phép chúng ta theo dõi sự phát triển của thai nhi cũng như tầm soát sớm những bất thường, dị tật thai nhi để có hướng xử lý phù hợp.
Bác sĩ khám thai không phải là người quyết định việc thai nhi bị dị tật có nên bỏ hay không. Nhiệm vụ của bác sĩ theo dõi thai chỉ là thông báo cho thai phụ và người nhà về tình trạng dị tật thai. Cùng với đó là giải đáp chi tiết các thắc mắc của thai phụ xung quanh tình trạng em bé trong bụng đang gặp phải như:
- Thai nhi bị dị tật ở đâu.
- Nguyên nhân gây dị tật thai nhi.
- Chẩn đoán khả năng sống của thai khi trong bụng mẹ và sau khi ra đời.
- Khả năng chữa trị của y tế nước ta với dị tật mà thai nhi đang gặp phải.
- Mức độ tàn tật, khiếm khuyết, khả năng sinh hoạt, hòa nhập cộng đồng của bé trong đời sống sau này.
Mục đích cuối cùng sau khi giải đáp các thắc mắc là giúp thai phụ và người nhà hiểu rõ được tình trạng của em bé. Giúp mẹ bầu hiểu rõ mình được gì và mất gì trong cả 2 quyết định bỏ thai hay giữ thai.
Hãy nhớ, quyết định sau cùng là từ chính thai phụ và gia đình sau khi đã hiểu rõ tình trạng của con. Cân nhắc kỹ về các yếu tố tâm tư, tình cảm, hoàn cảnh gia đình, bản thân của bạn. Và giữ hay bỏ là quyết định riêng tư của mỗi cá nhân trong từng hoàn cảnh cụ thể.
Mình sống cho chính bản thân mình, không sống cho ai cả, và quyết định giữ con hay bỏ con là ở chính mẹ bầu, chẳng ai quyết thay được cả. Đừng vội vàng lên án người bỏ là lạnh lùng vô cảm không có tính nhân văn hay người giữ là mù quáng không có hiểu biết. Chúng ta nên tôn trọng quyết định của họ, sau cùng, người đau khổ lớn nhất, tổn thương nhiều nhất vẫn chính là mẹ bầu.
Làm mẹ là nghĩa vụ thiêng liêng, cao cả của chị em, luôn mong con yêu mạnh khỏe, bình an ra đời. Nếu không may rơi vào trường hợp dị tật thai nhi, bạn hãy cố gắng bình tĩnh, nắm rõ tình hình của em bé. Dù theo hướng nào cũng sẽ có 1 cái giá phải trả, bỏ hay giữ là quyết định “hạ thủ bất hoàn”. Và dù theo hướng nào cũng sẽ để lại sự áy náy, hối hận hay luyến tiếc, đau khổ, dằn vặt cho thai phụ tạm thời hay lâu dài.
Người thân, bạn bè, những người xung quanh ngoài động viên, an ủi có thể giúp mẹ bầu và gia đình có thêm thông tin về nhiều mặt xã hội , sức khỏe và tâm lý, chính xác có giá trị để họ đưa ra quyết định hợp lý nhất.
Mẹ bầu nên làm gì trong trường hợp dị tật thai nhi?
Bạn hãy cố gắng giữ bình tĩnh sau khi nghe tin thai nhi bị dị tật, đặc biệt với những mẹ bầu mang thai lần đầu bị dị tật dễ sốc và hoang mang. Lúc này, trên hết bạn cần lắng nghe thật kỹ tư vấn từ chuyên gia về tình hình hiện tại của thai nhi. Khi đã hiểu rõ vấn đề mới bạn mới có thể đưa ra quyết định của mình.
Các sàng lọc trước sinh hoàn toàn không thể đưa ra khẳng định chắc chắn thai nhi bị dị tật mà sau cùng cũng chỉ mang tính chất sàng lọc. Để chắc chắn hơn cho kết quả cũng như đưa ra lựa chọn sau cùng khi thai nhi bị dị tật, bạn có thể thực hiện thêm một số xét nghiệm khác. Phần trăm chính xác của 1 số xét nghiệm phổ biến như sau:
- Siêu âm thai: Đây là xét nghiệm trước sinh phổ biến nhất hiện nay. Tuy có nhiều loại siêu âm cho kết quả hình ảnh thai nhi hiển thị sắc nét những phương pháp này kết quả chính xác chỉ dừng ở tỷ lệ 70 – 85%. Hệ thống máy móc cùng tay nghề của bác sĩ, khả năng chẩn đoán hình ảnh sẽ ảnh hưởng khác nhiều đến kết quả.
- Xét nghiệm nipt: Đây là một xét nghiệm không xâm lấn, an toàn cho mẹ bầu và thai nhi. Mẫu bệnh phẩm là một lượng máu nhỏ của mẹ bầu. Xét nghiệm nipt hiện nay cho kết quả chính xác lên đến 99,95%. Tuy nhiên trong 1 số điều kiện tăng hay giảm nhất định của hàm lượng cfDNA, phương pháp này vẫn có thể gây dương tính giả hoặc âm tính giả.
- Chọc ối: Đây là lựa chọn sau cùng mẹ bầu có thể cân nhắc để giúp chắc chắn thai nhi có bị dị tật hay không. Chọc ối là phương pháp xét nghiệm gây xâm lấn nến thường không được ưu tiên lựa chọn, nó có thể tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe mẹ bầu và thai nhi. Xét nghiệm chọc ối hiện nay cho kết quả chính xác cao lên đến 99,99%.
Mẹ bầu có thể cân nhắc lựa chọn thực hiện thêm một số các xét nghiệm sàng lọc trước sinh phù hợp để chắc chắn về chẩn đoán thai nhi bị dị tật. Đã có không ít trường hợp thai nhi siêu âm chẩn đoán dị tật, cuối cùng chọc ối lại cho kết quả bình thường. Sàng lọc thật kỹ giúp bạn đưa ra những quyết định đúng đắn nhất.
Dị tật thai nhi có chữa được không? Câu trả lời còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như: Loại dị tật mà thai nhi gặp phải, độ bất thường, điều kiện y tế cùng tình trạng sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi. Hiện nay, một số dị tật nhẹ như : Sứt môi, hở hàm ếch, dị dạng tứ chi…có thể can thiệp y khoa sau khi bé chào đời, giúp trẻ có 1 cuộc sống bình thường, khỏe mạnh.
Còn một số dị tật nghiêm trọng, thai nhi có thể tử vong trong bụng mẹ hoặc tử vong ngay khi vừa sinh ra, tuổi thọ không cao. Có những dị tật nghiêm trọng, quá trình điều trị phức tạp vô cùng, tồn nhiều công sức, tiền bạc nhưng không thể chữa khỏi. Mọi can thiệp chỉ giúp em bé giảm nhẹ các triệu chứng, bảo vệ tính mạng mà thôi.
Tóm lại, thai nhi bị dị tật có nên bỏ hay không quyền quyết định là ở mẹ bầu và gia đình. Bạn nên nén lại buồn đau và giữ bình tĩnh trong lúc này, tìm hiểu thật kỹ tình trạng của con, cân nhắc giữa được mất để đưa ra lựa chọn đúng đắn sau cùng nhé. Hy vọng bài viết sẽ mang lại cho bạn đọc những thông tin hữu ích. Hãy để lại bình luận phía dưới nếu còn thắc mắc cần được chúng tôi tư vấn, giải đáp nhé!
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!